Chỉ đạo công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ Đặng_Kim_Giang

Cánh đồng Điện Biên nằm lọt giữa vùng núi cao hiểm trở phía Tây Bắc Việt Nam. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đối với cả hai bên tham chiến, vấn đề tiếp vận lương thực, đạn dược cho các đạo quân khổng lồ là một trong những câu hỏi nan giải nhất quyết định thành bại.

Đây là một trận chiến tay đôi mà hai bên biết nhau khá rõ: quân đội Pháp có khoảng 16000 người được tiếp viện chủ yếu bằng đường không qua 2 sân bay sẽ nằm trong tầm súng đại bácsúng phòng không nếu họ để đối phương tiến từ núi xung quanh xuống cánh đồng. Bộ đội Việt Nam phải nuôi quân số đông gấp hơn 3 lần quân Pháp. Tiếp vận bằng đường bộ từ các vùng hậu phương chính như Liên khu 3, Liên khu 4 cách xa mặt trận 600 – 800 km qua một con đường duy nhất với nhiều đèo, suối nằm trong tầm oanh tạc của không quân Pháp với khả năng phòng không khá hạn chế.

Kết quả là: trong suốt chiến dịch, Quân Liên hiệp Pháp huy động 100 máy bay Dacota, 16 C112 và một số lớn máy bay dân dụng lập một cầu hàng không khổng lồ nuôi tập đoàn cứ điểm trong khi Quân đội nhân dân Việt Nam ép sát, chia cắt sân bay, đưa súng cao xạ tập trung bắn hạ máy bay, bóp chặt "dạ dày" đối phương.

Từ ngoài thung lũng Điện Biên, phía Việt Nam huy động hàng trăm xe ô tô tải, và một đội quân thô sơ khổng lồ với 260 000 dân công, 21 000 xe đạp thồ, 20 000 xe bò, xe trâu, bè mảng… vận chuyển hàng hóa, quân lính trên con đường huyết mạch lên mặt trận dưới mưa bom napan, bom bướm, bom nổ chậm,… của 168 máy bay ném bom, trong đó có tới 48 chiếc "pháo đài bay" B26.

Nhiệm vụ điều phối lực lượng vận chuyển, cất trữ, phân phối khối lượng khổng lồ 27.000 tấn vật phẩm (gạo, muối, đường, thịt, quân trang, quân dụng, thuốc men, vật liệu,…), việc chăm lo cái ăn, cái mặc, thuốc men, chăm sóc y tế cho bộ đội được gọi chung là "hậu cần". Người được giao nhiệm vụ chỉ huy mảng công việc khó khăn và nặng nề này là ông Đặng Kim Giang với chức danh "chủ nhiệm cung cấp mặt trận", một trong bốn thành viên của Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ.

Đây là trận chiến âm thầm, quyết liệt. Với phương tiện thông tin thô sơ, phối hợp rất đông các tổ chức dân sự và quân sự, công tác chỉ huy rất khó khăn và phức tạp. Hơn 260.000 dân công, hơn 22.000 thanh niên xung phong kết hợp cùng các lực lượng công binh, vận tải, quân y đã huy động 10 triệu ngày công, mở 4500 km đường xuyên rừng, bạt núi vận chuyển vũ khí, lương thực thương binh dưới bom đạn ác liệt.

Ông Giang báo cáo Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc họp với Đảng ủy chiến dịch và cố vấn Trung Quốc về khó khăn của công tác hậu cần như sau: "…Điện Biên Phủ mỗi ngày quân ăn 50 tấn gạo, dân công gánh gạo từ Thanh Hóa lên đến kho thì tính ra chỉ còn 1 đến 2 kg mỗi người. Ta chỉ có 268 xe Liên Xô viện trợ, đường độc đạo bị địch đánh ghê gớm, nhất là ở đèo Lũng Lô, Ngã ba Cò Nòi".

Đường sá xa xôi, phương tiện thô sơ, nếu chỉ chuyên chở bằng sức người, dọc đường dân công ăn phần lớn lương thực, khi tới mặt trận chỉ còn 8%. Vũ khí một phần được Liên Xô, Trung Quốc viện trợ và phần đáng kể vẫn dùng của địch đánh địch, ví dụ trong số 20.000 đạn pháo của Việt Nam chỉ có 18% do Trung Quốc viện trợ còn lại phần lớn là dành dụm từ chiến lợi phẩm của Pháp trong nhiều trận đánh trước. Vì vậy chủng loại vũ khí khí tài rất phức tạp, công tác bảo trì, sửa chữa, cung cấp đạn dược thêm khó khăn.

Chiến dịch ban đầu định giải quyết trong vài ngày, sau kéo dài thành 55 ngày đêm, kết thúc khi mùa mưa đã bắt đầu, đường sá sình lầy, sông suối ngập lũ. Hàng vạn người chiến đấu chen chúc với xác chết và thương binh, bệnh dịch dễ dàng phát sinh. Ngoài phục vụ bộ đội còn phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho dân công, và sau này là hàng ngàn tù binh địch. Trong khi Bộ Chỉ huy mặt trận với các bộ phận tư lệnh, tham mưu, chính trị, quân báo,… nằm tại chỉ huy sở Mường Phăng, thì riêng bộ phận chỉ huy hậu cần nằm riêng ra ngoài, sát đường vận chuyển để tiện chỉ huy.

Ông Đặng Kim Giang rong ruổi đêm ngày trên một chiếc xe Jeep Mỹ trần mui đốc chiến tại các cung đường giao thông, các kho đạn, bệnh viện dã chiến,… hễ leo lên xe là ngủ gà gật. Để ông khỏi ngã, người lái xe buộc chặt ông vào ghế, chỉ tháo ra khi đến nơi hoặc khi bị máy bay tấn công. Khi chiến dịch kết thúc, bệnh mất ngủ đã đeo đuổi ông đến cuối đời.

Chiến dịch thắng lợi, ông Đặng Kim Giang và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thêm tin vui là có con trai ra đời trong khi họ ở mặt trận. Hai năm sau ông Giang được phong hàm thiếu tướng. Về già, ước mong cuối cùng của Ông trước lúc chết là được đeo trên ngực chiếc huy hiệu kỉ niệm "chiến sĩ Điện Biên."